Việt Nam không có ca nhiễm mới, chỉ còn 52 ca đang điều trị
Theo cập nhật lúc 18h ngày 21-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, số ca nhiễm ở Việt Nam hiện vẫn là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%). Đến nay đã có 216 trường hợp được công bố khỏi bệnh và ra viện.
Trong số 52 ca còn đang điều trị, 20 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-2 lần.
Trước đó sáng cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức họp báo trực tuyến, theo đó thông báo về diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở khu vực, các biện pháp WHO ứng phó cũng như những tình huống mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Theo ông Takeshi Kasai - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, tính đến 20-4, dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện ở 22 quốc gia thuộc khu vực, đã ghi nhận 132.438 ca mắc COVID-19, 5.648 trường hợp tử vong, tỉ lệ tử vong là 4,26%.
Ông Kasai bày tỏ sự quan ngại về tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số điểm nóng trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, đồng thời đánh giá cao nỗ lực chống dịch của một số nước, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương", ông nói.
Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỉ lệ ca mắc COVID-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỉ lệ 3 ca bệnh/1.000.000 dân.
Ngày 21-4, thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết đã có 1 người tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP.HCM) được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh trong cả nước lên 216 (chiếm 81% tổng số bệnh nhân).
Đây là bệnh nhân 248 (nam, 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 7-4. Đến nay TP.HCM đã có 52/54 trường hợp khỏi bệnh, hiện chỉ còn 2 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó có trường hợp nặng là phi công người Anh (bệnh nhân 91) cũng đã ổn định, không sốt, mạch huyết áp bình thường, chức năng phổi có cải thiện khá hơn sau tập vật lý trị liệu hô hấp.
Tính đến sáng 21-4, Việt Nam vẫn duy trì con số ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID-19 trong cả nước.
Số ca tử vong thực tế tại Anh cao hơn 41%
Số liệu mới cho thấy số ca tử vong thực tế do COVID-19 tại Anh và xứ Wales tính đến 10-4 cao hơn nhiều so với thống kê được chính phủ xác nhận trước đó.
Theo đó, chính phủ Anh thống kê có 9.288 người tử vong tính đến 10-4. Tuy nhiên, số liệu do Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 21-4 cho thấy con số thực tế là 13.121 ca, tức cao hơn 41%.
Sự khác biệt là do chính phủ chỉ thống kê những người xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới và tử vong trong bệnh viện. Thống kê của ONS bao gồm những ca tử vong do nghi nhiễm COVID-19 và tử vong bên ngoài bệnh viện.
Thống kê của Bộ Y tế Anh tối ngày 21-4, giờ Việt Nam, cho thấy nước này có thêm 828 ca tử vong do COVID-19 trong các bệnh viện trên toàn quốc trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng lên 17.337. Số ca dương tính với COVID-19 tại nước này hiện tăng lên hơn 129.000 ca.
Người dân Anh đeo khẩu trang trong một công viên ở London ngày 19-4 - Ảnh: REUTERS
Singapore đã có hơn 9.000 ca nhiễm
Singapore xác nhận số ca COVID-19 tăng từ 8.014 lên 9.125 trong ngày 21-4. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng vừa lên truyền hình lúc 17h giờ địa phương, thông báo gia hạn việc giãn cách xã hội thêm đến 1-6 thay vì 4-5 như ban đầu.
Bộ Y tế Singapore yêu cầu tất cả người lao động nhập cư sống trong các khu nhà tập thể không được ra vào từ 0h ngày 22-4 và phải nghỉ làm đến 4-5. “Các chủ sử dụng lao động phải hợp tác với điều hành các khu nhà để đảm bảo phúc lợi cho các lao động, bao gồm chăm sóc về chuyện ăn uống và các nhu cầu của họ” - Bộ trên cho biết.
Biện pháp này sẽ áp dụng với tất cả các công ty, bao gồm cả những công ty được phép hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh. Trước đó, khoảng 10.000 lao động quan trọng sống trong các khu nhà này đã được di dời ra ngoài.
* Bộ Y tế Philippines ngày 21-4 ghi nhận thêm 9 ca tử vong và 140 ca nhiễm mới. Cơ quan này cho biết số người chết vì COVID-19 tại Philippines hiện là 437, trong khi số ca nhiễm là 6.599. Tuy nhiên, 41 bệnh nhân mới hồi phục đã nâng số ca được chữa khỏi ở đây lên 654.
* Bộ Y tế Malaysia ngày 21-4 ghi nhận thêm 57 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 5.482, trong khi đó 3 trường hợp tử vong mới đã đưa tổng số người chết vì dịch bệnh tại đây lên 92.
* Indonesia cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng thêm 275 lên 7.135, đồng thời số trường hợp tử vong tăng thêm 26 lên 616 người.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Hàn Quốc truy tố 10 người vi phạm quy định tự cách ly
Cơ quan công tố Hàn Quốc ngày 21-4 cho biết đã truy tố 10 người ra khỏi nhà dù đang tự cách ly. Ngoài ra, cơ quan công tố và cảnh sát cũng đang điều tra hai người đàn ông đang bị tạm giam với các cáo buộc vi phạm tương tự.
“Chúng tôi sẽ điều tra và có thể bắt giữ những ai cố tình vi phạm quy định tự cách ly và tái phạm nhiều lần”, hãng tin Yonhap dẫn lời cơ quan công tố Hàn Quốc. Hàn Quốc đã thông qua các quy định cách ly nghiêm ngặt hơn, như tự cách ly bắt buộc đối với tất cả những người vừa nhập cảnh. Những người vi phạm quy định có thể phải chịu phạt lên tới 1 năm tù giam hoặc phạt tới hơn 8.100 USD.
Tương tự, Singapore vừa buộc tội 3 người vi phạm yêu cầu tự cách ly. Họ sẽ đối mặt với án tù 6 tháng hoặc tiền phạt đến gần 7.000 USD, hoặc cả hai.
Indonesia cấm dân về quê sau Ramadan
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 21-4 thông báo nước này sẽ cấm người dân trở về quê sau tháng chay Ramadan của đạo Hồi để hạn chế dịch bệnh lây lan. Sau sự kiện diễn ra vào tháng 5 này, thông thường người dân tại các thành phố lớn tại Indonesia sẽ đổ về quê nhà để ăn mừng.
Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận 590 ca tử vong vì COVID-19, cao nhất tại khu vực Đông Á chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Widodo từng muốn thay việc áp lệnh cấm trước đó bằng cách kêu gọi người dân ở yên trong nhà.
Giới chuyên gia y tế đã cảnh báo việc cho phép hàng triệu người dân túa về quê nhà hậu Ramadan có thể tăng nguy cơ dịch COVID-19 lây lan. "Tôi đã quyết định chúng ta sẽ cấm ‘mudik’ (cách gọi truyền thống về quê của Indonesia). Vì thế cần phải thực hiện các khâu chuẩn bị liên quan", ông Widodo nói.
Tổng thống Indonesia cũng trích dẫn một khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải nước này, cho biết 24% trong số hơn 260 triệu dân của họ nhất định muốn về quê sau Ramadan.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo - Ảnh: REUTERS
WHO khẳng định virus corona không phải do con người tạo ra
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21-4 tuyên bố tất cả bằng chứng hiện nay đều cho thấy viurs corona chủng mới bắt nguồn từ dơi ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái. WHO khẳng định virus này không được tạo ra trong phòng thí nghiệm hoặc bị thao túng bởi bàn tay con người.
“Tất cả bằng chứng gợi ý rằng virus có nguồn gốc động vật và không bị con người thao túng hoặc làm ra từ phòng thí nghiệm hay bất cứ nơi nào khác”, người phát ngôn WHO, bà Fadela Chaib cho biết.
Tuy vẫn chưa rõ cách loại virus này vượt qua rào cản loài sinh học (species barrier) để lây nhiễm cho con người, bà Chaib nói virus “chắc chắn” có vật chủ trung gian là động vật.
Nga tăng mạnh số ca nhiễm
Trung tâm phản ứng khủng hoảng COVID-19 của Nga ngày 21-4 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 5.621 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Cập nhật mới nhất đã nâng tổng số ca COVID-19 của Nga lên 52.763. Ngoài ra, số người tử vong vì COVID-19 ở Nga đã tăng 51 lên 456 trường hợp.
Số ca COVID-19 của Nga đã tăng mạnh trong tháng 4 dù nước này ghi nhận ít ca nhiễm hơn nhiều quốc gia Tây Âu khác vào thời điểm đầu của dịch bệnh.
Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết thứ hai về dịch COVID-19
Ngày 20-4, 193 nước thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, theo đó kêu gọi cách tiếp cận "công bằng, hiệu quả và kịp thời" đối với bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai được phát triển để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nghị quyết trên cũng nêu bật "vai trò đi đầu then chốt" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan đang vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây về cách giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 gây ra.
Đây là nghị quyết thứ hai của Đại hội đồng LHQ về dịch COVID-19. Nghị quyết đầu tiên được Đại hội đồng LHQ thông qua hồi đầu tháng này cũng kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ý chuẩn bị công bố kế hoạch nới lỏng phong tỏa
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 21-4 thông báo sẽ công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong dịch COVID-19, trước khi tuần này kết thúc. Kế hoạch này dự tính sẽ được áp dụng từ ngày 4-5.
"Tôi ước rằng có thể nói: Hãy mở cửa tất cả mọi thứ. Ngay lập tức. Bắt đầu từ sáng mai... Nhưng quyết định như vậy sẽ rất vô trách nhiệm. Nó có thể khiến tình trạng lây nhiễm mở rộng theo hướng không thể kiểm soát được và xóa bỏ mọi nỗ lực của chúng ta.
Chúng ta phải hành động theo một kế hoạch toàn quốc, và kế hoạch này phải tính đến đặc thù của từng khu vực", ông Conte viết trên mạng xã hội Facebook. Ý hiện có 181.228 ca nhiễm và 24.114 ca tử vong vì COVID-19.
Úc mất 780.000 đầu việc vì COVID-19
Theo thống kê từ chính phủ Úc, khoảng 780.000 công việc đã mất đi sau khi nước này tuyên bố các lệnh đóng cửa doanh nghiệp và phong tỏa để chống lại COVID-19. Số liệu do Cục Thống kê Úc (ABS) và Cục Thuế Úc cùng phối hợp thu thập cho thấp công việc trên toàn nước Úc đã giảm 6% từ 14-3 đến 4-4.
Vào ngày 20-2, quốc gia này có hơn 13 triệu lao động có việc làm, theo ABS. Như vậy, nếu giả định con số ấy vẫn giữ nguyên trong vài tuần sau đó, thì Úc đã mất khoảng 780.000 việc làm.
Trong đó, người lao động dưới 20 tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỉ lệ mất việc đến 9,9%. Về mặt địa lý, 2 bang Victoria và Tasmania là những khu vực có số lượng công việc giảm mạnh nhất.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
(Nguồn: tuoitre.vn)