Ông Takeshi Kasai, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Ảnh chụp màn hình
"Theo những gì chúng tôi ghi nhận, họ (Việt Nam) đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn", ông Kasai nhận định.
Ngoài ra, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cũng ghi nhận Việt Nam đã luôn học hỏi và cập nhật kế hoạch ứng phó dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19) theo từng diễn biến mới, không chỉ thực hiện xét nghiệm mà còn thực hiện tốt việc truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh.
"Tôi còn nhớ có thời điểm Việt Nam đã cách ly hơn 80.000 người. Họ thật sự đã phản ứng rất mạnh mẽ đối với COVID-19. Đó có thể là lý do họ duy trì được số liệu thấp.
Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng, đằng sau đó là sự đóng góp của người dân Việt Nam. Cuộc sống giữa các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội không hề đơn giản, nhưng người dân Việt Nam đã thực hiện phận sự của mình", ông nói.
Dù vậy, ông Kasai cũng khẳng định bản thân rất tiếc khi phải cảnh báo rằng đây vẫn là một cuộc chiến dài kỳ và tìm ra cách thích nghi với cuộc sống hiện nay là điều quan trọng.
"Tôi cũng muốn khuyến cáo Việt Nam nên cẩn trọng xem xét nên bắt đầu tháo dỡ giới hạn như thế nào. Không nên là tất cả cùng lúc", ông Kasai cảnh báo.
Từ đầu buổi họp báo, ông Kasai đã đưa ra cảnh báo này. Ông cho rằng việc dỡ bỏ phong toả - biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của virus corona phải diễn ra từ từ, và nếu nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm, sự lây lan của virus có thể hồi sinh.
Trả lời câu hỏi về tốc độ gia tăng số ca nhiễm tại khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Kasai cho biết WHO sử dụng nhiều thông tin khác nhau để đánh giá tình hình hiện tại.
Trong đó, WHO sẽ phân tích số ca nhiễm mới xuất phát từ nguồn dịch địa phương hay chỉ là các ca "nhập dịch", cũng như đã xảy ra bùng phát trong cộng đồng hay chỉ lan mạnh tại các cụm dịch khép kín.
"Không chỉ là số ca nhiễm, chúng tôi sử dụng nhiều thông tin khác nhau để theo dõi tình hình tại khu vực. Khu vực của chúng ta ghi nhận tốc độ tăng chậm trong số ca nhiễm mới, một số nước còn có thể giảm số ca nhiễm xuống", ông nói và nhấn mạnh chủ trương của WHO hiện nay là khuyến khích chính phủ các nước lên kế hoạch dài hạn để thích nghi với cuộc sống mới trong dịch bệnh.
(nguồn: tuoitre.vn)