Nhiều khu vực thuộc thị trấn Quốc Oai (Hà Nội) bị phong tỏa - Ảnh: N.TRẦN
Tính đến chiều tối 25-7, Hà Nội đã ghi nhận 730 bệnh nhân COVID-19 (tính từ 27-4), trong đó có 461 bệnh nhân chưa qua 14 ngày, tức là trong nhóm ổ dịch chưa được kiểm soát.
Đáng chú ý trong số các bệnh nhân mới ghi nhận ngày 25-7, có nhiều ca bệnh phát hiện từ cộng đồng: bệnh nhân nam 35 tuổi làm việc tại công trường xây dựng tại phố Tô Hiến Thành, có sốt và đi xét nghiệm phát hiện dương tính; bệnh nhân nữ 29 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội, đi siêu âm và có tiếp xúc với nhân viên đánh máy (sau này nhân viên đánh máy là F0) trong thời gian rất ngắn, hiện bệnh nhân trở thành F0...
Trong tình huống này, Hà Nội đang xây dựng kế hoạch để phân tầng điều trị, tương tự TP.HCM hiện nay. Tuy nhiên TP.HCM đang phân 5 tầng, còn Hà Nội kế hoạch trước mắt là phân 3 tầng như tỉnh Bắc Giang đã làm.
Ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - nơi Hà Nội đang có kế hoạch chuyển công năng thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, cho biết từ khi dịch quay lại, bệnh viện đã điều trị trên 400 ca bệnh, trong đó có 20% chuyển nặng, 5% là nặng và nguy kịch.
Ông Thường cho rằng trong tình huống dịch ở quy mô nhỏ bệnh viện vẫn điều trị bệnh nhân thông thường và bệnh nhân COVID-19. Trường hợp số mắc cao hơn, bệnh viện sẽ tiếp nhận các trường hợp bắt đầu có chuyển biến nặng, có triệu chứng lâm sàng và bệnh nhân nặng, được xếp là tầng điều trị thứ 2 và 3.
Trường hợp quy mô dịch lớn hơn, theo đề xuất là Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng, là tầng điều trị thứ 3.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất chuyển công năng của các bệnh viện hạng 2 thành tầng điều trị thứ 2. Bệnh viện dã chiến theo dõi, quản lý F0 không có triệu chứng, là tầng điều trị thứ nhất.
Nguồn:tuoitre.vn