Lực lượng CSGT quận Tân Bình kiểm soát những người ra đường trong thời gian TP.HCM đang giãn cách theo chỉ thị 16 - Ảnh: TỰ TRUNG
Bản tin 6h ngày 26-7 có 2.708 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 2.704 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.714), Bình Dương (407), Tiền Giang (201), Đồng Nai (125), Vĩnh Long (49), Đà Nẵng (27), Phú Yên (26),
An Giang (25), Bình Thuận (23), Bình Định (19), Đồng Tháp (19), Bến Tre (19), Đắk Lắk (16), Khánh Hòa (12), Cần Thơ (7), Hậu Giang (7), Đắk Nông (5), Lâm Đồng (2), Hưng Yên (1), trong đó có 507 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều ngày 25-7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 101.173 ca mắc, trong đó có 2.182 ca nhập cảnh và 98.991 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 97.421 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình.
Trong ngày 25-7 có 77.967 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm, tổng số liều vắc xin đã được tiêm đến nay là trên 4.613.490 liều, trong đó tiêm 1 mũi là gần 4.223.630 liều, tiêm mũi 2 là trên 389.860 liều.
Bộ Y tế vừa có yêu cầu khẩn trương rà soát các điều kiện để thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với diễn biến tình hình dịch; đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố có tình trạng gia tăng nhanh số lượng, tốc độ và phạm vi lan truyền dịch COVID-19.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thêm 154 ca tử vong do COVID-19
Bộ Y tế cũng cho biết tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia "cung cấp bổ sung số ca tử vong của các địa phương gửi về, đã ghi nhận thêm 154 bệnh nhân COVID-19 tử vong (TP.HCM 129, Đồng Tháp 9, Long An 7, Cần Thơ 2, Khánh Hòa 2, Ninh Thuận 1, Bắc Ninh 1, Trà Vinh 1, Kiên Giang 1, Đồng Nai 1)", nâng tổng số tử vong do COVID-19 từ đầu mùa dịch lên hơn 500 ca.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và y tế ngành về việc tổ chức tiêm chủng an toàn và đảm bảo phòng chống dịch, thực hiện đúng quy định về giãn cách, phân chia khung thời gian để tránh tình trạng tập trung đông người...
Sau 1 ngày kể từ khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trưởng Bộ phận thường trực chống dịch tại TP.HCM, có thư ngỏ kêu gọi anh chị em đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tại TP.HCM và đồng nghiệp gần xa, đến 17h ngày 25-7 đã có hơn 1.300 lượt người đăng ký, trong đó có gần 300 bác sĩ, gần 200 dược sĩ, gần 700 người thuộc các lĩnh vực khác.
Dự kiến hôm nay 26-7, Sở Y tế TP.HCM sẽ phân bổ số nhân lực này vào các hoạt động phòng chống dịch, các cơ sở điều trị. TP.HCM tiếp tục kêu gọi y bác sĩ toàn ngành đăng ký tham gia chống dịch.
Để tăng cường phòng chống dịch, TP Hà Nội và TP.HCM đã có những biện pháp mạnh hơn nhằm hạn chế người dân ra đường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo đó, từ tối nay 26-7, người dân ở TP.HCM không được ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Tất cả các hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 và phải tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
TP sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm trễ giải quyết phản ánh của người dân dẫn đến dịch bệnh lây lan tại đơn vị, địa phương do mình quản lý.
Tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Sở chỉ huy công tác phòng, chống TP Hà Nội giao Bộ tư lệnh Thủ đô tổ chức phun khử khuẩn diện rộng.
Ông cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và tuyên truyền công khai để giáo dục, răn đe...
Nguồn:tuoitre.vn