Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp.
Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và một số chuyên gia.
Ngày 17/2/2021, Thủ tướng chính phủ ký ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 209). Triển khai Quyết định này được coi là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Quyết định 209, trước đó, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị bài bản cho công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm. Trong đó, đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học cho quy trình quy hoạch. Cùng với mạng lưới chuyên gia am hiểu, đây là những thuận lợi ban đầu cho công tác lập quy hoạch.
Tuy nhiên, khi triển khai lập quy hoạch, cần kết hợp chặt chẽ giữa các luận cứ khoa học, bài học kinh nghiệm quốc tế với hiện trạng hệ thống và những điều kiện cụ thể, đặc thù của Việt Nam và giáo dục đại học Việt Nam. Đặc biệt, phải bám sát vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
“Cuộc họp mở đầu nhiều buổi làm việc tiếp theo, để chúng ta có cái nhìn tổng thể về nhiệm vụ rất quan trọng này, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Do đó, phải thống nhất từ nhận thức, cả hệ thống phải vào cuộc để triển khai lập quy hoạch một cách bài bản, khoa học, đúng quy định của pháp luật và bảo đảm chất lượng” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên môn, các bên liên quan khẩn trương triển khai, bám sát các yêu cầu sản phẩm; tuân thủ quy trình, quy định. Tiến độ lập quy hoạch phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/2021/NQ-CP ngày 1/1/2021.
“Quá trình thực hiện phải cẩn trọng, bài bản, chắc chắn, khả thi và đảm bảo tính hệ thống” - Bộ trưởng khẳng định và nêu rõ 5 yêu cầu sản phẩm trong Quyết định 209, bao gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt quy hoạch; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến; Hệ thống bản đồ, sơ đồ và cơ sở dữ liệu về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.
Tại cuộc họp, nhiều nội dung đã được đại diện các đơn vị của Bộ cùng các chuyên gia trao đổi, thảo luận, xoay quanh nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng.
Ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại cuộc họp
Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai Luật Quy hoạch, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông bày tỏ sự tâm đắc với nhiệm vụ lập quy hoạch này và cam kết tham gia đóng góp trong quá trình xây dựng quy hoạch.
Ông Đông lưu ý, trong quy hoạch cần có yếu tố kế thừa và yếu tố phát triển, bắt đầu từ phân tích hiện trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực của cả nước và từng địa phương, từng vùng kinh tế; từ đó xác định yêu cầu về cơ sở vật chất, quỹ đất và đội ngũ giảng viên.
Tiếp theo, cần xác định rõ quan điểm, định hướng phát triển giáo dục, đào tạo. Nếu xác định chuyển đào tạo sang định hướng đổi mới, sáng tạo, gắn với thực tiễn, những điều này cần trở thành cốt lõi trong tư tưởng, lập luận của người viết quy hoạch, dưới sự quản lý của các cơ quan quản lý – đơn vị sử dụng sản phẩm cuối cùng.
Về phía cơ sở giáo dục đại học, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là cơ sở thực tiễn, xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó đưa ra dự báo cẩn trọng, chắc chắn. Bên cạnh đó, các cuộc họp thảo luận với lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm về vấn đề này để thống nhất về chủ trương, quan điểm, nhận thức. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẵn sàng tham gia, đóng góp cho quá trình lập quy hoạch.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề cập đến việc xây dựng “đầu bài” và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. “Đầu bài” cần thể hiện những tư tưởng chính như bám sát cung cầu, gắn liền với các vùng kinh tế; chuyển hệ thống giáo dục đại học sang giai đoạn đổi mới sáng tạo; lưu ý nhu cầu tiếp cận đại học của người dân và phân tầng đại học.
Đánh giá cao quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, GS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, quy hoạch mạng lưới nên chọn lọc một số điểm nhấn, tạo sự khác biệt với giai đoạn trước, bắt kịp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới.
GS.TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược và quy hoạch giáo dục, Viện luôn sẵn sàng nhận các nhiệm vụ chuyên môn trong công tác này.
TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự đồng cảm với những thuận lợi, khó khăn trong công tác lập quy hoạch, đồng thời khẳng định Trung tâm sẵn sàng tham gia, đóng góp kiến thức, kinh nghiệm để công tác này đạt kết quả cao nhất.
Chia sẻ với quan điểm, ý kiến của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm lần này tiếp cận theo quan điểm thiết lập hệ thống mở và linh hoạt, chú trọng chất lượng và hiệu quả, dựa trên chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Việc phân bổ không gian không nên theo từng địa phương, mà nên gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế, trong đó, các cơ sở giáo dục đại học có sự kết nối liên thông về không gian cũng như về lĩnh vực ngành nghề, tạo thành các cụm đại học.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chuyên môn. Bộ trưởng chỉ đạo, các đơn vị phải thảo luận kỹ lưỡng về nội dung “đầu bài”, đảm bảo mạch lạc, ngắn gọn, đúng trọng tâm.
Bộ trưởng lưu ý, quy hoạch phải tính đến liên ngành và xu hướng phát triển giáo dục đại học có tính hội nhập trên nền tảng công nghệ cao; gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức, bám sát những nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo đó, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu có xu hướng tạo nên một hệ sinh thái, quần thể tập trung, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm, những trung tâm tăng trưởng kinh tế lớn, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.
Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Quy hoạch sẽ thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương.
Quy hoạch cũng là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, đảm bảo khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực xã hội phát triển mạng lưới này.
Là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Quyết định 209, trước đó, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị bài bản cho công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm. Trong đó, đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học cho quy trình quy hoạch. Cùng với mạng lưới chuyên gia am hiểu. Đây là những thuận lợi ban đầu cho công tác lập quy hoạch.
Nguồn: Báo giaoducthoidai.vn